Nhật đảo chính Pháp và Đế quốc Việt Nam tuyên bố thành lập Đế_quốc_Việt_Nam

Trong Chiến tranh thế giới thứ hai, quân đội Pháp đã mất quyền kiểm soát Đông Dương thuộc Pháp và quyền này rơi vào tay người Nhật vào năm 1941. Tuy nhiên, người Nhật vẫn giữ lại những quan chức Pháp và chỉ điều khiển sau hậu trường.

Ngày 9 tháng 3 năm 1945, khi tình hình chiến tranh Thái Bình Dương thay đổi bất lợi, Nhật đổi chính sách và đảo chính Pháp, bắt giam các tướng lãnh và tước khí giới của quân đội PhápĐông Dương. Đại sứ Nhật ở Đông Dương là Matsumoto Shunichi giao cho đại diện Pháp là Toàn quyền Đông Dương, Đô đốc Jean Decoux tối hậu thư đòi người Pháp phải chấp nhận vô điều kiện quyền chỉ huy của Nhật trên mọi phương diện. Ở Huế, đại úy Kanebo Noburu vào báo với vua Bảo Đại quyền lực của Pháp đã bị loại bỏ[9].

Sau cuộc tập kích bất ngờ vào quân Pháp đêm 9/3/1945, vấn đề quan trọng nhất đối với quân Nhật là duy trì bằng được "trật tự và ổn định" nhằm tìm nguồn cung ứng vật chất tại chỗ cho gần 100.000 lính Nhật, cũng như để cung cấp cho việc phòng thủ nước Nhật trước đà tấn công của quân Đồng Minh. Tuy nhiên, đúng lúc đó, bộ máy hành chính thực dân mà Nhật kế thừa từ Pháp đã tan rã, vì thế việc thành lập bộ máy cai trị bản xứ đặt ra như một đòi hỏi cấp bách và Đế quốc Việt Nam ra đời trong bối cảnh đó[10].

Ngay từ đêm 8/3/1945, quân Nhật Bản đã được phái đến canh giữ nghiêm ngặt nhà của các quan lớn trong triều Nguyễn. Họ giữ các quan này ở trong nhà để chờ lệnh từ chỉ huy Nhật. Theo lời kể của đại thần Phạm Quỳnh, quân Nhật đi tìm tất cả các quan trong Viện Cơ mật (gồm sáu vị Thượng thư) và giam họ lại một chỗ[11]. Sáng 10/3/1945, trên đường đi săn, Bảo Đại bị một toán quân Nhật giữ lại và hôm sau đưa về kinh thành[10]. Khi đã đưa được Bảo Đại về kinh đô, quan Nhật là Yokoyama đưa cho họ 2 văn bản đã viết sẵn: Bản tuyên bố hủy bỏ các hiệp ước nhà Nguyễn đã ký với Pháp và Bản tuyên bố giải tán Viện Cơ mật, tất cả nhằm dọn đường cho việc thành lập nội các Đế quốc Việt Nam. Yokoyama nói thẳng: "Tôi cho các vị 15 phút để suy nghĩ". Trong hoàn cảnh đó, các quan nhà Nguyễn không muốn ký cũng không được[11].

Hôm sau, ngày 11 Tháng Ba năm 1945, vua Bảo Đại gặp mặt Cố vấn tối cao của Nhật là đại sứ Yokoyama Masayuki tại điện Kiến Trung để ký bản Tuyên cáo Việt Nam độc lập.[12] Cùng đi với Yokoyama là Tổng lãnh sự Konagaya Akira và Lãnh sự Watanabe Taizo.[13] Bản tuyên cáo đó (mà Nhật đã ép các quan trong Viện Cơ mật phải ký như đã nêu trên) có chữ ký của sáu vị Thượng thư trong Cơ mật ViệnPhạm Quỳnh, Hồ Đắc Khải, Ưng Úy, Bùi Bằng Đoàn, Trần Thanh ĐạtTrương Như Đính, nguyên văn chiếu chỉ đề ngày 27 Tháng Giêng ta năm thứ 20 niên hiệu Bảo Đại[14]:

Cứ theo[15] tình hình thế giới nói chung và hiện tình Á Châu, chính phủ Việt Nam long trọng công bố rằng: Kể từ ngày hôm nay, Hòa ước Bảo hộ ký kết với nước Pháp được hủy bỏ và vô hiệu hóa. Việt Nam thu hồi hoàn toàn chủ quyền của một Quốc gia Độc lập.
— Bảo Đại[16]

Theo đó triều đình Huế hủy bỏ Hòa ước Patenôtre ký với Pháp năm 1884 vốn áp đặt nền bảo hộ lên toàn cõi nước Việt. Tuy nhiên, do văn bản được Nhật Bản soạn thảo nên đoạn sau của Tuyên cáo được cài thêm khẩu hiệu về Khối thịnh vượng chung Đại Đông Á, cũng như vai trò lãnh đạo và quyền trưng dụng mọi tài sản của Việt Nam sẽ thuộc về Đế quốc Nhật Bản:

Nước Việt Nam sẽ gắng sức tự tiến triển cho xứng đáng một quốc gia độc lập và theo như lời tuyên ngôn chung của Đại Đông Á, đem tài lực giúp cho cuộc thịnh vượng chung.

Vậy Chính phủ Việt Nam một lòng tin cậy lòng thành ở Nhật Bản đế quốc, quyết chí hợp tác với nước Nhật, đem hết tài sản trong nước để cho đạt được mục đích như trên.[17]

Hoàng đế Bảo ĐạiTập tin:Tran Trong Kim.pngThủ tướng Trần Trọng Kim

Với Dụ số 1 ra ngày 17 tháng 3, vua nêu khẩu hiệu "Dân Vi Quý" (chữ Nho: 民爲貴; lấy dân làm quý) làm phương châm trị quốc. Vua Bảo Đại giải tán nội các cũ, các quan Thượng thư đồng loạt từ chức. Việc tìm một người bản xứ đứng ra lập nội các mới cũng được Nhật Bản tính trước từ lâu. Cụ Huỳnh Thúc Kháng là một nhân vật quan trọng trong phong trào Duy Tân, được Nhật mời đầu tiên, nhưng cụ đã từ chối ngay vì không muốn phục vụ cho quân đội nước ngoài đang chiếm đóng nước mình. Trước đó, năm 1943, nhà yêu nước Nguyễn An Ninh đang bị cầm tù ở Côn Đảo, được một viên tướng Nhật ra đảo mời hợp tác nhưng ông cũng kiên quyết từ chối.

Cuối cùng, nhà sử học Trần Trọng Kim được Nhật Bản đón về từ Singapore, rồi được đưa ra Huế để Bảo Đại giao nhiệm vụ thành lập nội các mới. Lúc đó vua Bảo Đại nói với Trần Trọng Kim: "Trước kia người mình chưa độc lập. Nay có cơ hội, tuy chưa phải độc lập hẳn, nhưng mình cũng phải tỏ ra có đủ tư cách để độc lập. Nếu không có chính phủ thì người Nhật bảo mình bất lực, tất họ lập cách cai trị theo thể lệ nhà binh rất hại cho nước ta. Vậy ông nên vì nghĩa vụ lập thành một chính phủ để lo việc nước." [18] Trần Trọng Kim được lựa chọn thành viên nội các, Nhật Bản không bắt ông phải dùng những người của họ đã định trước[19].

Tướng Nhật Tscuchihashi nghĩ rằng chỉ cần Việt Nam độc lập danh nghĩa hơn là thực chất, và chính phủ mới của Việt Nam phải được Nhật kiểm soát chặt chẽ[20]. Theo tác giả Daniel Grandcléme, thoạt đầu quan đại thần Phạm Quỳnh được chỉ định tạm quyền nhưng ông này quá thân Pháp, ngoài ra ông ta thấy ngay "nền độc lập" của Đế quốc Việt Nam có những giới hạn khắt khe giống như hồi còn chế độ bảo hộ Pháp: Không được tự chủ về ngoại giao, không có quân đội, không có độc lập tài chính... Do vậy, quân Nhật quyết định không bổ nhiệm Phạm Quỳnh và chọn một nhân vật ôn hoà hơn và gần gũi với Nhật Bản. Đó là nhà sử học Trần Trọng Kim, đang ở Singapore. Nhà vua Bảo Đại chẳng có vai trò gì trong việc chỉ định này.[21]

Để chuẩn bị nội các mới, Bảo Đại hai lần gửi điện vào Sài Gòn mời Ngô Đình Diệm ra Huế, nhưng cả hai bức điện đều bị tình báo Nhật ngăn chặn, vì thật ra phương án sắp đặt cho hoàng thân Cường Để (1882-1951) lên ngôi vua và Ngô Đình Diệm giữ chức thủ tướng trước đó không lâu đã bị giới lãnh đạo quân sự Nhật Bản hủy bỏ, do không muốn gây nhiều xáo trộn, để thay vào bằng kế hoạch Bảo Đại - Trần Trọng Kim cũng được chuẩn bị sẵn từ hơn một năm trước[22].

Trong bản Tuyên cáo trước quốc dân về đường lối chính trị, dưới sự khống chế của Nhật Bản, nội các Trần Trọng Kim tuyên bố: “quốc dân phải gắng sức làm việc, chịu nhiều hy sinh hơn nữa và phải thành thực hợp tác với nước Đại Nhật Bản trong sự kiến thiết nền Đại Đông Á, vì cuộc thịnh vượng chung của Đại Đông Á có thành thì sự độc lập của nước ta mới không phải là giấc mộng thoáng qua”. Bản Tuyên cáo của Chính phủ Trần Trọng Kim làm nhân dân bàn tán xôn xao, vì Đức đã bại trận, Nhật Bản cũng khó tránh khỏi thất bại, cho nên Trần Trọng Kim lại phải tuyên bố để trấn an dư luận: “Việc nước Đức đầu hàng không hại gì đến sự liên lạc mật thiết giữa hai nước Nhật và Việt Nam… Sự bại trận ấy không thể giảm bớt lòng chúng ta kiên quyết giúp Nhật Bản đeo đuổi cuộc chiến đấu cho đến khi toàn thắng để kiến thiết vùng Đại Đông Á… ta chỉ phải giữ vững cuộc trị an trong nước và chịu những hy sinh cần thiết để cho quân đội Nhật Bản được chúng ta tận tâm giúp đỡ về mặt tinh thần và vật chất, nền độc lập của chúng ta có như thế mới thật vững bền”. Ông Phạm Khắc Hòe, nguyên Tổng lý Ngự tiền văn phòng của nhà Nguyễn nói về bản Tuyên cáo: “Rõ ràng là Trần Trọng Kim đã hạ quyết tâm phục vụ quan thầy Nhật đến cùng…”.

Ở Việt Nam, đa số quần chúng tỏ ra thờ ơ lạnh nhạt với sự “độc lập” dưới sự chiếm đóng của quân đội Nhật. Ngày 17/3/1945, ở các hương thôn, lý trưởng được lệnh tổ chức dân chúng mừng sự ra đời của Đế quốc Việt Nam tại các đình làng, nhưng không khí rất ảm đạm:

“Cửa đình mở rộng, trước sân đình có cờ, chuông, trống, như ngày cúng Thần. Hội đồng xã chỉ lưa thưa có mấy ông. Dân chúng chẳng ai đến cả, trừ một số chức việc có phận sự trong làng. Đến giờ, chuông trống nổi dậy, hương xã làm lễ tế Thần. Lý trưởng đọc lời ‘tuyên cáo độc lập’. Y như một bài văn tế. Xong, chiêng trống tiếp tục và buổi lễ chấm dứt không đầy 30 phút. Không một tiếng vỗ tay. Không một lời hoan hô. Các ông làng xã, khăn đen áo dài khệ nệ như trong các đám cúng Thần theo nghi lễ cổ truyền, lặng lẽ đóng cửa đình sau khi dọn dẹp”.[22]

Trong khi Bảo Đại tìm người lập nội các thì ngày 30/3/1945, trong một cuộc họp với công chức người Việt ở Long Xuyên, Toàn quyền Nhật Bản là Minoda nói thẳng bằng tiếng Pháp về bản chất sự "độc lập" của Đế quốc Việt Nam:

Có một sự hiểu lầm lớn về sự độc lập ở Đông Dương. Sự độc lập này là hoàn toàn ở dưới sự kiểm soát quân sự của Nhật Bản. Sự độc lập của đế chế Trung kỳ và cũng như của Cao Miên đã được tuyên bố. Nam kỳ chẳng những ở dưới sự kiểm soát quân sự mà còn dưới cả sự cai trị quân sự của Nhật Bản. Vậy thì không có sự độc lập của Nam kỳ[23]

Sau này, trong hồi ký của mình, Trần Trọng Kim nhận xét về ý đồ của Nhật Bản như sau:

"Nhật Bản trước vốn là một nước đồng văn đồng hóa ở Á Đông, nhưng về sau đã theo Âu hóa, dùng những phương pháp quỷ quyệt để mở rộng chủ nghĩa đế quốc của họ, trước đã thôn tính Cao LyMãn Châu, sau lại muốn xâm lược nước Tàu và các nước khác ở Á Đông đã bị người Âu châu chiếm giữ. Người Nhật tuy dùng khẩu hiệu "đồng minh cộng nhục" và lấy danh nghĩa "giải phóng các dân tộc bị hà hiếp" nhưng thâm ý là muốn thu hết quyền lợi về mình".[10]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đế_quốc_Việt_Nam http://nghiencuulichsu.com/2014/05/29/ve-chinh-phu... http://www.vninfos.com/selection/histoire/1945.htm... http://archive.is/OSAak http://hopluu.net/a1586/phia-ben-kia-cuoc-cach-man... http://hopluu.net/a1587/phia-ben-kia-cuoc-cach-man... http://hopluu.net/a1588/phia-ben-kia-cuoc-cach-man... http://hopluu.net/p128a1585/6/phia-ben-kia-cuoc-ca... http://www.vietnamvanhien.net/motcongiobui.pdf http://www.jstor.org/discover/10.2307/2055845?sid=... http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/TranTrongKi...